Bệnh tiểu đường có thể phát triển âm thầm ở chú cún của bạn mà bạn không hề hay biết đấy
Cũng như chúng ta, các chú cún khi lớn tuổi sẽ bắt đầu dễ mắc phải bệnh tiểu đường, thừa cân rất nhanh chóng. Khi mắc bệnh này, các nhóm cơ của chúng gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển hóa đường trong máu thành năng lượng. Dần dần, lượng đường này tăng lên sẽ dễ dẫn đến bệnh hạ đường huyết rất nguy hiểm cho tính mạng của các chú cún lớn tuổi. Vậy chúng ta phải làm gì để có thể ngăn ngừa tình trạng này từ sớm cho các chú cún?
1. Các triệu chứng thường gặp
Bệnh tiểu đường có thể dễ dàng nhận biết qua một số hành động lạ của các chú cún mà bạn có thể đã nhận thấy:
+ Liên tục đói và khát – Thông thường, các chú cún tiểu đường sẽ cần nhiều thức ăn với nước uống hơn
+ Tiểu bất thường – Kèm với việc ăn uống nhiều hơn, các chú cún cũng sẽ tiểu nhiều bất thường (ngay tại nhà dù đã huấn luyện kĩ từ trước)
+ Sụt cân – Dù ăn ít hay nhiều mà bé vẫn sụt cân liên tục, đây là một dấu hiệu thể hiện bệnh tiểu đường đấy.
+ Nôn mửa – Trong những giai đoạn tiếp theo của bệnh tiểu đường, các chú cún có thể liên tục nôn mửa và hoàn toàn không ăn uống gì
+ Thờ ơ và trầm cảm – Là một trong những triệu chứng khác khi bệnh tiểu đường đã phát triển, các chú cún ở nhà có thể buồn chán, không phản ứng lại với bạn.
Hãy chú ý những hành vi lạ hằng ngày của các bé cún để có biện pháp điều trị bệnh kịp thời nhé
Nếu phát hiện và nghi ngờ những triệu chứng này, bạn nên đưa các bé cún đến phòng khám thú y càng sớm càng tốt. Qua những kiểm tra sơ bộ, bác sĩ sẽ có thể xác định chính xác rằng các bé có mắc bệnh tiểu đường hay không, và bệnh đang trong giai đoạn nào nhằm có phương pháp điều trị phù hợp.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Tiểu đường vẫn đang là đề tài “bí ẩn” đối với khá nhiều nhà nghiên cứu. Các bác sĩ cũng chưa xác định chính xác yếu tố gây ra bệnh tiểu đường, tuy nhiên phần lớn bệnh chỉ xảy ra ở cún cái và cún béo phì. Đặc biệt, bệnh tiểu đường thường xảy ra nhất ở cún lớn tuổi, trong giai đoạn từ 6 – 9 tuổi.
Một số nguyên nhân khác gây bệnh cũng bao gồm do di truyền, một số liệu pháp về hormone hay viêm tủy. Ngoài ra, vẫn có một số giống chó đặc biệt có tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường cao hơn như Terrier Úc, chó lông xù, Schnauzer, Dachshunds, Keeshonds và Samoyed, đáng chú ý nhất là Golden Retreiver, Keeshond.
3. Phương hướng điều trị
Việc điều trị bệnh tiểu đường ở chó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như kích cỡ cơ thể, tình trạng sức khỏe và mức độ ảnh hưởng ở từng cá thể khác nhau. Nói chung, hãy kết hợp đều đặn những phương pháp điều trị dưới đây để kiểm soát chặt lượng đường trong máu của các chú cún ở nhà nhé.
Insulin
Insulin là một loại hoóc môn giúp đường di chuyển từ máu vào trong tế bào. Trong hầu hết các trường hợp tiểu đường đều cần sử dụng đến phương pháp này, đặc biệt khi bệnh nặng. Một khi bác sĩ đã quyết định áp dụng hướng điều trị này, bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể cách thực hiện ngay tại nhà. Hiện nay, phương pháp điều trị bằng Insulin tại nhà bao gồm tiêm, bơm, ống hít.
Việc điều trị bệnh tiểu đường có thể mất một khoảng thời gian khá dài, đặc biệt ở chó lớn tuổi
Giảm cân và tập thể dục đều đặn
Yếu tố quan trọng nhất để tránh bệnh tiểu đường đó là việc kiểm soát lượng đường trong máu của các bé cún. Một trong những cách đơn giản, hữu hiệu nhất mà bạn có thể thực hiện đó là “giữ dáng” cho các bé bằng một chế độ ăn kiêng hợp lý cùng vận động cơ thể mỗi ngày. Các bác sĩ sẽ bắt đầu một chế độ ăn kiêng đặc biệt, bao gồm việc giảm lượng dung nạp calories vào cơ thể và vận động tùy theo trọng lượng, kích cỡ cơ thể.
Chế độ ăn phù hợp
Qua nhiều nghiên cứu về một chế độ ăn lý tưởng nhất cho bệnh béo phì, tốt nhất vẫn là những loại thực phẩm giàu chất xơ. Chất xơ có khả năng giảm lượng đường trong máu đáng kể, ngoài ra còn giúp các bé cún cảm giác no hơn sau mỗi bữa ăn và từ đó giảm dần khẩu phần ăn. Đo đó,hãy theo sát lời chỉ dẫn của các bác sĩ về chế độ ăn uống, tập luyện để giúp các bé cún chữa bệnh nhanh hơn (thực phẩm giàu chất xơ hơn, thuốc men, thực phẩm tự chế biến tại nhà, một số hãng thức ăn cho cún đắt tiền…)
Đối với các bé cún mắc bệnh tiểu đường, việc vận động thường xuyên và mỗi ngày để kiểm soát lượng đường trong máu rất quan trọng
Dù việc chăm sóc các bé cún bị tiểu đường không hề đơn giản, tuy nhiên các bé cún sẽ có một cuộc sống thoải mái, lâu dài hơn dù vẫn còn bệnh. Ngoài ra, việc chăm sóc này cũng sẽ giúp bạn có nhiều thời gian bên các bé hơn, kéo gần khoảng cách và mối quan hệ của cả hai với nhau.